
Khoa học là gì? Công nghệ là gì? Hoạt động khoa học và công nghệ là gì? Hoạt động khoa học và công nghệ trong chăn nuôi và ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi được quy định như thế nào?
Luật sư cho tôi hỏi: Tôi là người chăn nuôi ở quê, dạo này thấy người ta nói nhiều đến chuyện ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi, rồi còn nghe nói có quy định gì đó về hoạt động khoa học và công nghệ trong ngành này. Cho tôi hỏi: Khoa học là gì? Công nghệ là gì? Hoạt động khoa học và công nghệ cụ thể là gì? Và trong lĩnh vực chăn nuôi thì các hoạt động này được quy định ra sao, Nhà nước có khuyến khích hay hỗ trợ gì không? Mong luật sư giải đáp cho tôi được rõ.
MỤC LỤC
1. Khoa học là gì? Công nghệ là gì? Hoạt động khoa học và công nghệ là gì?
Trả lời:
1. Khoa học là gì? Công nghệ là gì? Hoạt động khoa học và công nghệ là gì?
Căn cứ khoản 1, 2, 3 Điều 3 Luật Khoa học và Công nghệ 2013 quy định giải thích từ ngữ như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.
2. Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.
3. Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.”
Theo đó, có thể hiểu khoa học là hệ thống kiến thức về bản chất và các quy luật tồn tại, phát triển của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Đối với công nghệ có thể hiểu là tập hợp các giải pháp, quy trình, hoặc bí quyết kỹ thuật, có thể đi kèm hoặc không đi kèm công cụ, phương tiện, nhằm chuyển hóa nguồn lực thành sản phẩm.
Còn hoạt động khoa học và công nghệ là bao gồm các hoạt động như nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và các hoạt động sáng tạo khác, với mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ.
Ví dụ:Việc phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đã làm thay đổi cách chúng ta liên lạc, làm việc và giải trí; các công nghệ năng lượng mới như năng lượng mặt trời và gió giúp giảm thiểu ô nhiễm và khai thác tài nguyên hiệu quả hơn; trong y học, các công nghệ mới như công nghệ sinh học và vật liệu nano đã mang lại những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh,...
2. Hoạt động khoa học và công nghệ trong chăn nuôi và ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 6 và Điều 7 Luật Chăn nuôi 2018 thì hoạt động khoa học và công nghệ trong chăn nuôi cũng như ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi được quy định chi tiết như sau:
“Điều 6. Hoạt động khoa học và công nghệ trong chăn nuôi
1. Hoạt động khoa học và công nghệ trong chăn nuôi được Nhà nước ưu tiên bao gồm:
a) Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về chăn nuôi;
b) Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi theo từng giai đoạn.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo từng giai đoạn.
4. Tổ chức, cá nhân có năng lực được tham gia đề xuất, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi theo quy định của Luật này, Luật Khoa học và công nghệ và Luật Chuyển giao công nghệ.
Điều 7. Ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi
1. Công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích ứng dụng trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
2. Tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong chăn nuôi được hưởng chính sách quy định tại Điều 4 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
* Lưu ý: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường được hợp nhất thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường (căn cứ mục 2.3 Phần II Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và khoản 8 Điều 1 Nghị quyết số 176/2025/QH15 ngày 18/02/2025 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV).
Dẫn chiếu đến Điều 4 Luật Chăn nuôi 2018 quy định như sau:
“Điều 4. Chính sách của Nhà nước về chăn nuôi
1. Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau đây:
a) Thống kê, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi, đánh giá tiềm năng và hoạt động chăn nuôi theo định kỳ 05 năm và hằng năm; xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi; dự báo thị trường, dự trữ sản phẩm chăn nuôi phù hợp với từng thời kỳ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi;
b) Bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và giống vật nuôi bản địa.
2. Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:
a) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới tạo ra sản phẩm có tính đột phá trong chăn nuôi; nhập khẩu và nuôi giữ giống gốc;
b) Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; xử lý môi trường chăn nuôi; phát triển các mô hình thực hành chăn nuôi tốt; di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi;
c) Xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề trong hoạt động chăn nuôi, khuyến nông chăn nuôi, trong đó ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn;
d) Xây dựng và phát triển sản phẩm chăn nuôi quốc gia, sản phẩm chăn nuôi chủ lực, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ; xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi quốc gia; xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chợ đầu mối, cơ sở đấu giá để quảng bá, tiêu thụ giống và sản phẩm chăn nuôi; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi;
đ) Hỗ trợ thiệt hại về chăn nuôi, phục hồi giống vật nuôi sau thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các hoạt động sau đây:
a) Tổ chức chăn nuôi theo quy mô trang trại, theo chuỗi giá trị; phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất chăn nuôi;
b) Đầu tư công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi để làm phân bón và mục đích khác;
c) Đầu tư hoạt động bảo hiểm vật nuôi; nâng cao năng lực hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.”
Các quy định trên nhấn mạnh vai trò then chốt của khoa học và công nghệ trong việc nâng cao hiệu quả và tính bền vững của ngành chăn nuôi. Nhà nước ưu tiên các hoạt động về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, khuyến khích ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi. Từ đó, khi các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong chăn nuôi sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật. Đây là nền tảng quan trọng để hiện đại hóa ngành chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trân trọng./.