Gen là gì? Giống vật nuôi là gì? Nguồn gen giống vật nuôi là gì? Quản lý nguồn gen giống vật nuôi và vật nuôi biến đổi gen, nhân bản vô tính vật nuôi được quy định như thế nào?

Gen là gì? Giống vật nuôi là gì? Nguồn gen giống vật nuôi là gì? Quản lý nguồn gen giống vật nuôi và vật nuôi biến đổi gen, nhân bản vô tính vật nuôi được quy định như thế nào?

Gen là gì? Giống vật nuôi là gì? Nguồn gen giống vật nuôi là gì? Quản lý nguồn gen giống vật nuôi và vật nuôi biến đổi gen, nhân bản vô tính vật nuôi được quy định như thế nào?

Luật sư cho tôi hỏi: Tôi đang làm trong lĩnh vực chăn nuôi giống gà bản địa và có sưu tầm được một số nguồn gen quý của giống gà ri và gà mía. Tôi nghe nói Nhà nước có quy định về quản lý nguồn gen giống vật nuôi, đặc biệt là giống quý hiếm. Nhưng tôi không biết nhà nước quy định như nào là gen, giống vật nuôi hay nguồn gen giống vật nuôi? Ngoài ra, hiện nay pháp luật quy định việc quản lý nguồn gen đó và vật nuôi biến đổi gen, nhân bản vô tính như thế nào? Mong luật sư giải đáp thắc mắc cho tôi được rõ.

MỤC LỤC

1. Gen là gì? Giống vật nuôi là gì?

2. Nguồn gen giống vật nuôi là gì? Việc quản lý nguồn gen giống vật nuôi được quy định như thế nào?

3. Vật nuôi biến đổi gen, nhân bản vô tính vật nuôi được quy định như thế nào?

 

Trả lời:

1. Gen là gì? Giống vật nuôi là gì?

Căn cứ theo khoản 7 Điều 3 Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định về gen như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

7. Gen là một đơn vị di truyền, một đoạn của vật chất di truyền quy định các đặc tính cụ thể của sinh vật.”

Ngoài ra, gen có thể được hiểu cụ thể hơn là đơn vị nhỏ nhất của vật chất di truyền, mang trong mình các thông tin cần thiết cho việc phát triển và hoạt động của một cá thể. Bên cạnh đó, khái niệm về giống vật nuôi cũng được nêu cụ thể tại khoản 9 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

9. Giống vật nuôi là quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành, củng cố, phát triển do tác động của con người; phải có số lượng bảo đảm để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau.”

Qua đó, giống vật nuôi được hiểu là quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, chúng có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau. Giống vật nuôi được hình thành, củng cố, phát triển do tác động của con người, bao gồm các giống gia súc, gia cầm, ong, tằm, động vật thuỷ sản và các sản phẩm giống của chúng như tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng và vật liệu di truyền giống. Tuy nhiên, cần phải có số lượng bảo đảm để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau.

2. Nguồn gen giống vật nuôi là gì? Việc quản lý nguồn gen giống vật nuôi được quy định như thế nào?

Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc hiểu rõ và thống nhất các khái niệm chuyên môn là yếu tố quan trọng để áp dụng pháp luật một cách hiệu quả. Một trong những khái niệm cơ bản cần được làm rõ là “nguồn gen giống vật nuôi”, được quy định chi tiết tại khoản 21 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

21. Nguồn gen giống vật nuôi là các động vật sống và sản phẩm giống của chúng mang thông tin di truyền có khả năng tạo ra hoặc tham gia tạo ra giống vật nuôi mới.”

Như vậy, nguồn gen giống vật nuôi được hiểu là tất cả động vật sống và các sản phẩm giống của chúng mang thông tin di truyền có khả năng tạo ra hoặc là tham gia tạo ra giống vật mới. Hiểu đúng về “nguồn gen giống vật nuôi” không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác chọn tạo giống mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững ngành chăn nuôi trong tương lai. Bên cạnh đó, việc quản lý nguồn gen giống vật nuôi cũng rất quan trọng, Điều 13 Luật Chăn nuôi 2018 quy định:

Điều 13. Quản lý nguồn gen giống vật nuôi

1. Nguồn gen giống vật nuôi do Nhà nước thống nhất quản lý.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý nguồn gen giống vật nuôi theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Từ quy định trên thấy được rằng Nhà nước là chủ thể thống nhất quản lý nguồn gen giống vật nuôi. Còn các tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm tham gia quản lý nguồn gen giống vật nuôi theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho công tác bảo tồn, chọn tạo và phát triển giống vật nuôi. Sự tuân thủ và phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi mà còn bảo đảm an toàn sinh học và đa dạng sinh học quốc gia.

3. Vật nuôi biến đổi gen, nhân bản vô tính vật nuôi được quy định như thế nào?

Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học, đã mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi thông qua việc ứng dụng vật nuôi biến đổi gen và nhân bản vô tính. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn sinh học, đạo đức sinh học và phát triển bền vững, các hoạt động liên quan đến hai loại hình này cần được quản lý chặt chẽ theo khuôn khổ pháp luật. Cụ thể, Điều 17 Luật Chăn nuôi 2018 quy định như sau:

Điều 17. Vật nuôi biến đổi gen và nhân bản vô tính vật nuôi

1. Vật nuôi biến đổi gen là vật nuôi có cấu trúc di truyền bị thay đổi bằng công nghệ chuyển gen.

2. Việc nghiên cứu, chọn, tạo, thử nghiệm, sản xuất, kinh doanh, sử dụng, phóng thích, trao đổi quốc tế và hoạt động khác đối với vật nuôi biến đổi gen được thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

3. Nhân bản vô tính vật nuôi là việc sử dụng kỹ thuật nhân bản từ tế bào sinh dưỡng để tạo ra vật nuôi.

4. Tổ chức, cá nhân được nghiên cứu về nhân bản vô tính vật nuôi theo quy định của pháp luật.”

Theo đó, vật nuôi biến đổi gen là vật nuôi có cấu trúc di truyền đã bị thay đổi bằng công nghệ chuyển gen. Còn nhân bản vô tính vật nuôi là việc mà sử dụng kỹ thuật nhân bản từ tế bào sinh dưỡng để tạo ra vật nuôi. Việc quản lý vật nuôi biến đổi gen và nhân bản vô tính vật nuôi theo quy định của pháp luật không chỉ giúp kiểm soát các tác động tiềm ẩn đến môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái mà còn tạo hành lang pháp lý cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học trong chăn nuôi được phát triển một cách an toàn, có trách nhiệm.

Trân trọng./.

Bài viết liên quan

Góp ý