Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và cấm xuất khẩu được quy định như thế nào? Thành phần hồ sơ nhập khẩu lần đầu đối với đực giống, tinh, phôi giống gia súc bao gồm những tài liệu, giấy tờ gì?

Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và cấm xuất khẩu được quy định như thế nào? Thành phần hồ sơ nhập khẩu lần đầu đối với đực giống, tinh, phôi giống gia súc bao gồm những tài liệu, giấy tờ gì?

Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và cấm xuất khẩu được quy định như thế nào? Thành phần hồ sơ nhập khẩu lần đầu đối với đực giống, tinh, phôi giống gia súc bao gồm những tài liệu, giấy tờ gì?

Luật sư cho tôi hỏi: Tôi đang có kế hoạch nhập khẩu tinh và phôi giống bò từ nước ngoài để phục vụ nhân giống trong trang trại. Không rõ theo quy định hiện nay, tôi cần chuẩn bị những loại giấy tờ, thủ tục gì cho lần nhập khẩu đầu tiên? Ngoài ra, anh/chị cho tôi hỏi thêm, hiện có những giống vật nuôi nào đang nằm trong danh mục cần bảo tồn hoặc cấm xuất khẩu, và những danh mục này được cơ quan nào ban hành, cập nhật vậy ạ? Mong luật sư giải đáp.

MỤC LỤC

1. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và cấm xuất khẩu được quy định như thế nào?

2. Thành phần hồ sơ nhập khẩu lần đầu đối với đực giống, tinh, phôi giống gia súc bao gồm những tài liệu, giấy tờ gì?

 

Trả lời:

1. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và cấm xuất khẩu được quy định như thế nào?

Để tránh nguy cơ tuyệt chủng một số giống vật nuôi nhất định, pháp luật đã quy định cụ thể về danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và cấm xuất khẩu tại Điều 19 Luật Chăn nuôi 2018 như sau:

Điều 19. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và cấm xuất khẩu

1. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn bao gồm các giống vật nuôi có số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng.

2. Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu bao gồm các giống vật nuôi quý, hiếm và là lợi thế của Việt Nam.

3. Chính phủ ban hành Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu; quy định trình tự, thủ tục ban hành, cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu.”

Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 136/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường thì nhiệm vụ, thẩm quyền của Chính phủ nêu trên đã được phân quyền cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường như sau:

Điều 8. Nhiệm vụ, thẩm quyền của Chính phủ trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y phân quyền cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện

1. Ban hành Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu; quy định trình tự, thủ tục ban hành, cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Chăn nuôi.”

Theo đó, Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu và việc cập nhật các danh mục này được quy định chi tiết tại Điều 6, 7 và 8 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi như sau:

Điều 6. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn

1. Giống vật nuôi đưa vào Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

a) Có số lượng cá thể hoặc có số nhóm huyết thống còn ít dẫn đến nguy cơ cận huyết cao;

b) Có số lượng cá thể suy giảm ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 05 năm tiếp theo.

2. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Việc cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Điều 7. Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu

1. Giống vật nuôi đưa vào Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Giống vật nuôi bản địa mang nguồn gen quý, hiếm;

b) Có tính độc đáo, đặc hữu của Việt Nam.

2. Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Việc cập nhật Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Điều 8. Cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu

1. Hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, lập hồ sơ cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu.

2. Thành phần hồ sơ bao gồm:

a) Kết quả rà soát, đánh giá về Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu;

b) Đơn của tổ chức, cá nhân đề nghị giống vật nuôi đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu (nếu có);

c) Bản thông tin về tên giống và địa điểm phân bố của giống vật nuôi cần đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu;

d) Bản thuyết minh tính cần thiết của việc đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu bao gồm các thành phần sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cục Chăn nuôi và các đơn vị liên quan;

b) Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ;

d) Chuyên gia về lĩnh vực giống vật nuôi.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ kết quả thẩm định, trình Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu theo trình tự, thủ tục rút gọn.”

* Lưu ý: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nay cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường được hợp nhất thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường (căn cứ mục 2.3 Phần II Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và khoản 8 Điều 1 Nghị quyết số 176/2025/QH15 ngày 18/02/2025 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV).

Việc quy định Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và cấm xuất khẩu thể hiện rõ định hướng chiến lược của Nhà nước trong việc gìn giữ nguồn gen quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời bảo đảm lợi ích lâu dài cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Luật Chăn nuôi 2018 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ, minh bạch, đồng thời phân quyền cụ thể cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong công tác ban hành, cập nhật các danh mục này. Điều đó cho thấy sự chủ động và linh hoạt của hệ thống pháp luật trong thích ứng với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo các giống vật nuôi quý, hiếm được bảo vệ và phát triển bền vững, không bị mai một hoặc thất thoát ra nước ngoài một cách không kiểm soát.

2. Thành phần hồ sơ nhập khẩu lần đầu đối với đực giống, tinh, phôi giống gia súc bao gồm những tài liệu, giấy tờ gì?

Căn cứ theo Điều 5 Thông tư số 22/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư số 21/2024/TT-BNNPTNT ngày 11/12/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi quy định như sau:

Điều 5. Thành phần hồ sơ nhập khẩu lần đầu đối với đực giống, tinh, phôi giống gia súc

1. Đơn đăng ký nhập khẩu đực giống, tinh, phôi giống gia súc theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Lý lịch đực giống, tinh, phôi giống gia súc nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Văn bản của cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu ủy quyền xác nhận về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng giống, mục đích sử dụng là bản chính hoặc bản sao có xác nhận của đơn vị nhập khẩu và bản dịch tiếng Việt có xác nhận của đơn vị nhập khẩu.”

Như vậy, pháp luật đã quy định cụ thể thành phần hồ sơ cần thiết phải chuẩn bị để nhập khẩu lần đầu đối với đực giống, tinh, phôi giống gia súc. Việc yêu cầu đầy đủ đơn đăng ký, lý lịch giống và xác nhận từ cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu giúp cơ quan quản lý Việt Nam kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng và mục đích sử dụng giống nhập khẩu, từ đó góp phần bảo vệ an toàn sinh học, nâng cao hiệu quả chăn nuôi và phòng ngừa rủi ro trong quá trình lai tạo, sản xuất.

Trân trọng./.

Bài viết liên quan

Góp ý