Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi được quy định như thế nào? Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi bao gồm những loại cơ sở dữ liệu nào?

Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi được quy định như thế nào? Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi bao gồm những loại cơ sở dữ liệu nào?

Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi được quy định như thế nào? Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi bao gồm những loại cơ sở dữ liệu nào?

Luật sư cho tôi hỏi: Hiện nay tôi thấy Nhà nước có nói tới cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi, mà tôi chưa rõ lắm. Cái này được quy định ở đâu vậy? Và nội dung cụ thể của nó là gì ạ? Trong cơ sở dữ liệu đó thì có những loại thông tin gì? Cảm ơn luật sư.

MỤC LỤC

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi được quy định như thế nào?

2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi bao gồm những loại cơ sở dữ liệu nào?

2.1. Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi

2.2. Cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

2.3. Cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế biến, thị trường sản phẩm chăn nuôi

2.4. Cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và các cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi

 

Trả lời:

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi được quy định như thế nào?

Nhằm tạo nên hệ thống thông tin về chăn nuôi một cách thống nhất từ trung ương đến địa phương, Nhà nước đã quy định chi tiết về cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi tại Điều 11 Luật Chăn nuôi 2018 như sau:

Điều 11. Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi là hệ thống thông tin liên quan đến chăn nuôi, được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương, được chuẩn hóa để cập nhật và quản lý bằng công nghệ thông tin.

2. Nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi bao gồm:

a) Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi;

b) Cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

c) Cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi;

d) Cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh;

đ) Cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi.

3. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.”

* Lưu ý: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nay cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường được hợp nhất thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường (căn cứ mục 2.3 Phần II Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và khoản 8 Điều 1 Nghị quyết số 176/2025/QH15 ngày 18/02/2025 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV).

Từ quy định trên, cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi được hiểu là toàn bộ hệ thống thông tin liên quan đến chăn nuôi, chúng được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương, thậm chí còn được chuẩn hóa để cập nhật và quản lý bằng công nghệ thông tin. Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi này bao gồm những nội dung mà luật đã quy định và các tổ chức, cá nhân cần phải cung cấp thông tin, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu này theo đúng quy định của pháp luật.

2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi bao gồm những loại cơ sở dữ liệu nào?

Căn cứ vào Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT ngày 22/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi (sau đây gọi tắt là “Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT”) đã quy định chi tiết các loại cơ sở dữ liệu về chăn nuôi như sau:

2.1. Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi

Để đảm bảo việc thu thập, hệ thống hóa, cập nhật đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan đến chăn nuôi, pháp luật đã quy định về cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi chi tiết tại Điều 3 Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT như sau:

Điều 3. Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi

Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chăn nuôi.”

Dẫn chiếu đến Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 như sau:

Điều 4. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

1. Hiến pháp.

2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.

3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

5. Nghị định, nghị quyết của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước.

9. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

10. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

11. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

12. Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

13. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cấp xã).

15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.”

Đây là nền tảng quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phổ biến pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, thực hiện đúng các quy định pháp luật trong hoạt động chăn nuôi. Ngoài ra, còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngành chăn, thúc đẩy tính minh bạch, đồng bộ và khả năng tiếp cận pháp luật cho các chủ thể liên quan.

2.2. Cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

Cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi là một bộ phận quan trọng trong hệ thống cơ sở dữ liệu về chăn nuôi, nhằm phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, phát triển, kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Căn cứ Điều 4 Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT quy định chi tiết như sau:

Điều 4. Cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

1. Dữ liệu về giống vật nuôi bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất con giống vật nuôi: Tên, số điện thoại, email (nếu có); địa chỉ cơ sở sản xuất; quy mô sản xuất; nguồn gốc giống, tên giống, cấp giống, số lượng từng cấp giống, chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng của giống;

b) Tổ chức, cá nhân sản xuất tinh, phôi, ấu trùng và cơ sở ấp trứng: Tên, số điện thoại, email (nếu có); địa chỉ cơ sở sản xuất; tên giống vật nuôi cho tinh, phôi, ấu trùng và trứng giống; quy mô sản xuất, số lượng sản xuất;

c) Cá nhân làm dịch vụ thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi giống vật nuôi: Tên, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; số liều tinh được phối trong một năm hoặc số lượng phôi được cấy trong một năm;

d) Tổ chức, cá nhân sở hữu lợn, trâu, bò đực giống để phối giống trực tiếp nhằm mục đích thương mại: Tên, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; quy mô, loại đực giống, số lượng, kết quả phối giống hằng năm (nếu có);

đ) Tổ chức, cá nhân mua bán con giống, tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng: Tên, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; loại giống, số lượng trong một năm; con giống, tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng đã được kiểm dịch, kiểm tra, đánh giá chất lượng;

e) Cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi: Tên cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; quy mô chăn nuôi, năng lực khảo nghiệm (loại dòng, giống vật nuôi, số lượng vật nuôi tối đa khảo nghiệm được); được giao thực hiện kiểm định dòng, giống vật nuôi;

g) Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn;

h) Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu.

2. Dữ liệu về nguồn gen giống vật nuôi bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân thu thập nguồn gen giống vật nuôi: Tên, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; tên nguồn gen, số lượng, địa điểm thu thập, chỉ tiêu sinh học, giá trị sử dụng;

b) Tổ chức, cá nhân bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi: Tên, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; tên nguồn gen, số lượng, địa điểm bảo tồn, phương thức bảo tồn;

c) Tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển nguồn gen giống vật nuôi: Tên, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; tên nguồn gen, số lượng, địa điểm khai thác, phát triển.

3. Dữ liệu về thức ăn chăn nuôi bao gồm:

a) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi: Tên cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ cơ sở sản xuất, công suất thiết kế; số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, ngày cấp, cơ quan cấp;

b) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại được Cục Chăn nuôi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi: Tên cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ cơ sở sản xuất, công suất thiết kế; số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, ngày cấp;

c) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi: Tên, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ;

d) Cơ sở mua bán thức ăn chăn nuôi: Tên cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ;

đ) Cơ sở khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi: Tên cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; quy mô;

e) Sản lượng thức ăn chăn nuôi thương mại: Tên sản phẩm, số lượng, đối tượng vật nuôi sử dụng;

g) Thức ăn chăn nuôi nhập khẩu: Tên sản phẩm, khối lượng nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu, nguồn gốc xuất xứ;

h) Danh mục hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi;

i) Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi;

k) Phòng thử nghiệm được chỉ định trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi: Tên phòng thử nghiệm, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; phép thử được chỉ định, ngày chỉ định, ngày hết hạn, cơ quan chỉ định;

l) Tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi: Tên tổ chức, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; phạm vi được chỉ định, ngày chỉ định, ngày hết hạn, cơ quan chỉ định.

4. Dữ liệu về sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi bao gồm:

a) Cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi: Tên cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ cơ sở sản xuất, công suất thiết kế;

b) Cơ sở khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi: Tên cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ;

c) Tên sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, số lượng, tiêu chuẩn công bố áp dụng.”

Từ đó cho thấy rằng thông qua việc tổng hợp thông tin từ các chủ thể có liên quan trong chuỗi hoạt động chăn nuôi, cơ sở dữ liệu này góp phần tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo tồn nguồn gen và phát triển chăn nuôi bền vững. Đây cũng là tiền đề quan trọng để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp và hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi.

2.3. Cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế biến, thị trường sản phẩm chăn nuôi

Nhằm thiết lập hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác, phục vụ công tác quản lý, giám sát và định hướng phát triển ngành chăn nuôi hiệu quả và bền vững, pháp luật đã quy định chi tiết về cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế biến, thị trường sản phẩm chăn nuôi tại Điều 5 Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT như sau:

Điều 5. Cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế biến, thị trường sản phẩm chăn nuôi

1. Dữ liệu về cơ sở chăn nuôi bao gồm:

a) Dữ liệu về tổ chức, cá nhân chăn nuôi: Tên, mã số cơ sở chăn nuôi, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; loại vật nuôi, số lượng vật nuôi, tên giống, phương thức chăn nuôi, sản lượng;

b) Dữ liệu về điều kiện chăn nuôi: Quy mô chăn nuôi, mật độ chăn nuôi; kê khai hoạt động chăn nuôi; khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại; bệnh (dịch) được giám sát, biện pháp bảo đảm an toàn sinh học;

c) Giấy chứng nhận của cơ sở chăn nuôi: Số Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, ngày cấp, cơ quan cấp; số Giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt, ngày cấp, cơ quan cấp; số Giấy chứng nhận trại chăn nuôi an toàn sinh học, ngày cấp, cơ quan cấp;

d) Tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định: Tên tổ chức, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; ngày chỉ định, ngày hết hạn, cơ quan chỉ định.

2. Dữ liệu về cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi bao gồm: Tên cơ sở, mã số cơ sở, số điện thoại, email (nếu có), địa chỉ; Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, ngày cấp, cơ quan cấp; công suất, mặt hàng, chủng loại chế biến, nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm được chế biến; số lượng nguyên liệu thu mua (trong nước, nhập khẩu), sản lượng chế biến, giá trị xuất khẩu, thị trường tiêu thụ (nội địa, xuất khẩu).

3. Dữ liệu về thị trường sản phẩm chăn nuôi bao gồm:

a) Dữ liệu thông tin về giá: Con giống, sản phẩm giống vật nuôi; thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn, gà giai đoạn vỗ béo; một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính; sản phẩm chăn nuôi chính;

b) Dữ liệu về thị trường xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi: Nước xuất khẩu, nhập khẩu; số lượng, chủng loại sản phẩm; quy cách, giá trị xuất khẩu, giá trị nhập khẩu;

c) Dữ liệu về điều ước quốc tế: Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động vật (SPS) và các cam kết thương mại (thuế quan, phi thuế quan), hiệp định về việc áp dụng hàng rào kỹ thuật với thương mại (TBT), văn bản quy định về biện pháp kiểm dịch động vật (SPS) và hàng rào kỹ thuật với thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu.”

Việc thiết lập cơ sở dữ liệu thống nhất, chi tiết về cơ sở chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi có vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực quản lý của cơ quan nhà nước, phục vụ cho các hoạt động như thống kê, quy hoạch và cảnh báo thị trường. Đồng thời, đây cũng là công cụ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tiếp cận thông tin minh bạch, chính xác. Từ đó góp phần thúc đẩy hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

2.4. Cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và các cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi

Nhằm kiểm soát và phát hiện kịp thời dịch bệnh động vật, cũng như cập nhật và quản lý thông tin liên quan, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là hết sức cần thiết, vì vậy pháp luật đã quy định cụ thể tại Điều 6 Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT như sau:

Điều 6. Cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh: Tên, địa chỉ vùng chăn nuôi, đối tượng vật nuôi, quy mô chăn nuôi; bệnh (dịch) được chứng nhận, biện pháp kiểm soát an toàn sinh học; số Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh, ngày cấp.”

Bên cạnh các loại cơ sở dữ liệu trên về chăn nuôi, pháp luật còn quy định thêm các loại cơ sở dữ liệu khác chi tiết tại Điều 7 Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT như sau:

Điều 7. Cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi

1. Dữ liệu về khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bao gồm:

a) Kết quả nghiên cứu khoa học trong chăn nuôi;

b) Công nghệ được ứng dụng trong chăn nuôi;

c) Danh mục Tiêu chuẩn quốc gia, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong chăn nuôi; quy trình kỹ thuật; định mức kinh tế-kỹ thuật; tiến bộ kỹ thuật.

2. Dữ liệu về phòng, chống dịch bệnh động vật thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y: Loại dịch bệnh, đối tượng vật nuôi chịu tác động, nơi xảy ra dịch bệnh, số lượng vật nuôi thiệt hại.

3. Dữ liệu về cơ sở bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, Giấy chứng nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, Giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt; Giấy chứng nhận trại chăn nuôi an toàn sinh học và Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi.

4. Dữ liệu về cơ sở bị thu hồi hoặc đình chỉ hiệu lực Quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận sự phù hợp, Quyết định chỉ định phòng thử nghiệm thức ăn chăn nuôi.”

Từ những quy định trên của pháp luật, cho thấy rằng việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chăn nuôi một cách chi tiết và đa dạng là rất quan trọng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Những quy định này góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý ngành chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát rủi ro dịch bệnh và nâng cao hiệu quả quản lý theo hướng hiện đại, minh bạch và đáp ứng các tiêu chuẩn hội nhập toàn cầu.

Trân trọng./.

Bài viết liên quan

Góp ý