
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 02 cấp được thực hiện như thế nào?
Luật sư cho tôi hỏi: Tôi vừa nhận được thông tin rằng nước ta vừa có mô hình chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 16/6/2025. Tôi đang có thắc mắc rằng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 02 cấp được thực hiện như thế nào? Mong được Luật sư giải đáp, xin cảm ơn!
MỤC LỤC
1. Đơn vị hành chính là gì? Chính quyền địa phương là gì?
2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 02 cấp được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
1. Đơn vị hành chính là gì? Chính quyền địa phương là gì?
Hiện nay, pháp luật nước ta vẫn chưa có quy định đưa ra một định nghĩa cụ thể về đơn vị hành chính và chính quyền địa phương nhưng có thể hiểu như sau:
Đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đơn vị được phân định theo địa giới hành chính phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên, đặc điểm dân cư, quốc phòng, an ninh nhằm thực hiện các chính sách mới về quản trị địa phương để thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia và thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước trong mỗi thời kỳ.
Chính quyền địa phương được hiểu là tổ chức quyền lực nhà nước cấp cơ sở, được thành lập ở các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) và xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (gọi chung là cấp xã).
2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 02 cấp được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 112 Hiến pháp 2013 và Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 (Luật số: 72/2025/QH15) có hiệu lực từ ngày 16/6/2025 như định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương như sau:
“Điều 112.
1. Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương.
3. Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó.”
và
“Điều 4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
Hội đồng nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.
Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số; đồng thời đề cao thẩm quyền và trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
2. Tổ chức chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương chuyên nghiệp, hiện đại, thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, bảo đảm trách nhiệm giải trình gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực.
3. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xây dựng chính quyền địa phương gần Nhân dân, phục vụ Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân; thực hiện đầy đủ cơ chế phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.
4. Bảo đảm nền hành chính minh bạch, thống nhất, thông suốt, liên tục.
5. Những công việc thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương phải do chính quyền địa phương quyết định và tổ chức thực hiện; phát huy vai trò tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
6. Phân định rõ thẩm quyền giữa cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương; giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và chính quyền địa phương cấp xã.”
Cụ thể, chính quyền địa phương có chức năng tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương, đồng thời quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tiễn. Việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được thực hiện dựa trên nguyên tắc phân quyền và phân cấp, nhằm bảo đảm không chồng chéo, không bị lẫn lộn giữa các cấp quản lý, đồng thời tạo cơ sở cho việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý địa phương.
Bên cạnh đó, hệ thống chính quyền địa phương hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm tập thể nhưng vẫn tôn trọng và phát huy vai trò cá nhân trong điều hành hành chính, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Tổ chức bộ máy được định hướng theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và xu hướng chuyển đổi số trong quản trị công.
Đáng chú ý, quy định pháp luật cũng nhấn mạnh nguyên tắc chính quyền địa phương vì Nhân dân, gần dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân và các tổ chức chính trị – xã hội, qua đó bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát huy dân chủ ở cơ sở.
Như vậy, mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là sự kế thừa hệ thống tổ chức truyền thống, mà còn là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động và tính công khai, minh bạch của bộ máy nhà nước ở địa phương, góp phần hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia trong giai đoạn phát triển mới.
Trân trọng./.