
Việc quản lý, giám sát và trách nhiệm tổ chức thực hiện của các bên liên quan đối với Trung tâm tài chính quốc tế được quy định thực hiện như thế nào?
Luật sư cho tôi hỏi: Cơ chế quản lý, giám sát và phân định trách nhiệm tổ chức thực hiện của các chủ thể có liên quan trong việc vận hành và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế được pháp luật quy định như thế nào? Xin cảm ơn!
MỤC LỤC
1. Trung tâm tài chính quốc tế là gì?
Trả lời:
1. Trung tâm tài chính quốc tế là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 222/2025/QH15 ngày 27/6/2025 của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam (“Nghị quyết số 222/2025/QH15”) quy định như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị quyết này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Trung tâm tài chính quốc tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định do Chính phủ thành lập đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng, tập trung hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính và dịch vụ hỗ trợ, được áp dụng cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết này.”
Từ quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 222/2025/QH15, có thể thấy rằng: "Trung tâm tài chính quốc tế" được hiểu là một khu vực có phạm vi địa lý rõ ràng, do Chính phủ thành lập, đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Đây là nơi tập trung hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính và các dịch vụ hỗ trợ liên quan, đồng thời được áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù được quy định riêng tại Nghị quyết số 222/2025/QH15.
Việc xác lập khái niệm này có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển các trung tâm tài chính của Việt Nam theo chuẩn quốc tế, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thiết lập và vận hành các khu vực này theo mô hình đặc biệt, thúc đẩy thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập tài chính toàn cầu.
2. Việc quản lý, giám sát và trách nhiệm tổ chức thực hiện của các bên liên quan đối với Trung tâm tài chính quốc tế được quy định thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị quyết số 222/2025/QH15 quy định như sau:
“Điều 31. Quản lý, giám sát đối với Trung tâm tài chính quốc tế
Việc quản lý, giám sát tại Trung tâm tài chính quốc tế thực hiện theo thông lệ quốc tế, dựa trên rủi ro.
Điều 32. Trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành
1. Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thi hành Nghị quyết này; ban hành, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan ban hành hoặc trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết này.
2. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 6, 9, 10, 11, 12, 13, 15, 16, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 26, 27, 30 và 31 của Nghị quyết này.
Điều 33. Trách nhiệm của chính quyền địa phương
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, trong phạm vi thẩm quyền được giao, có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với Trung tâm tài chính quốc tế trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết này và pháp luật có liên quan.
Điều 34. Giám sát thực hiện Nghị quyết
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình thực hiện Nghị quyết, góp ý xây dựng để hoàn thiện cơ chế chính sách cho Trung tâm tài chính quốc tế.”
Từ các quy định trên, có thể thấy rằng cơ chế quản lý, giám sát và tổ chức thực hiện đối với Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam được xây dựng một cách toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế, lấy quản trị rủi ro làm nền tảng. Chính phủ giữ vai trò trung tâm trong việc tổ chức thi hành và ban hành các văn bản hướng dẫn, bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù.
Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp triển khai cụ thể các nội dung đã được giao. Đồng thời, chính quyền địa phương, cụ thể là Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng có nghĩa vụ chủ động thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với Trung tâm tài chính quốc tế trên địa bàn, góp phần bảo đảm tính linh hoạt, hiệu lực tại cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, cơ chế giám sát được thiết lập đa tầng, từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội (Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội), Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Cách tiếp cận này không chỉ tạo ra sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình triển khai Nghị quyết mà còn khuyến khích sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, góp phần bảo đảm sự thành công và phát triển bền vững của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Trân trọng./.