
Việc áp dụng chính sách tinh giản biên chế đối với các đối tượng khác để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp được quy định như thế nào?
Luật sư cho tôi hỏi: Cơ chế áp dụng chính sách tinh giản biên chế đối với các đối tượng khác nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức lại bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, được pháp luật quy định cụ thể ra sao? Xin cảm ơn Luật sư!
MỤC LỤC
1. Biên chế là gì? Tinh giản biên chế là gì?
Trả lời:
1. Biên chế là gì? Tinh giản biên chế là gì?
Biên chế được hiểu gồm: Biên chế cán bộ, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.
Tinh giản biên chế được hiểu là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế.
Từ những nội dung trên có thể thấy, biên chế không chỉ là số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức nhà nước mà còn là cơ sở pháp lý để xác định vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức và quản lý nhân sự trong khu vực công.
Trong khi đó, tinh giản biên chế là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, thông qua việc loại bỏ khỏi biên chế những đối tượng không đáp ứng được yêu cầu công tác, không còn phù hợp với vị trí việc làm hoặc không thể bố trí sắp xếp lại công việc. Việc tinh giản biên chế là một chủ trương cần thiết nhằm xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả. Quá trình này được thực hiện dựa trên các căn cứ pháp lý rõ ràng, giúp loại bỏ những cá nhân không đủ năng lực, dôi dư, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những người bị ảnh hưởng. Tinh giản biên chế không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước mà còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
2. Việc áp dụng chính sách tinh giản biên chế đối với các đối tượng khác để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 17 Nghị định số 154/2025/NĐ-CP ngày 15/6/2025 của Chính phủ về việc quy định tinh giản biên chế (“Nghị định số 154/2025/NĐ-CP”) như sau:
“Điều 17. Áp dụng Nghị định đối với các đối tượng khác
1. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, d, g, h khoản 1 Điều 2 Nghị định này.
2. Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên (không bao gồm Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động) trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (gồm: công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty độc lập) dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, bán toàn bộ doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng của các công ty lâm, nông nghiệp quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại theo quy định của pháp luật.
3. Cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử làm người đại diện phần vốn góp tại doanh nghiệp dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
4. Cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử sang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách dôi dư do sắp xếp lại quỹ đó theo quyết định của cấp có thẩm quyền.”
Dẫn chiếu đến điểm a, d, g, h khoản 1 Điều 2 Nghị định số 154/2025/NĐ-CP quy định về đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế như sau:
“Điều 2. Đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế
1. Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ (sau đây gọi tắt là người lao động), nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Công chức, viên chức và người lao động dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy (trừ đối tượng hưởng chính sách, chế độ trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo quy định riêng của Chính phủ);
...
d) Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại nhân sự để thực hiện cơ chế tự chủ;
...
g) Trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ gắn với thực thi chức trách nhiệm vụ, công việc được giao; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
h) Trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế mà có tổng số ngày nghỉ làm việc do ốm đau bằng hoặc cao hơn 200 ngày, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.”
Theo đó, việc áp dụng chính sách tinh giản biên chế không chỉ giới hạn trong phạm vi cán bộ, công chức, viên chức của bộ máy nhà nước mà còn mở rộng đến các đối tượng khác. Cụ thể, chính sách này được áp dụng đối với:
- Người làm việc tại các Hội quần chúng: Những người làm việc theo chỉ tiêu biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, nếu thuộc một trong các trường hợp tinh giản biên chế quy định tại điểm a, d, g, h khoản 1 Điều 2 Nghị định số 154/2025/NĐ-CP của Nghị định này;
- Các chức danh quản lý tại công ty TNHH 100% vốn nhà nước (Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty độc lập): Bao gồm Chủ tịch công ty, Chủ tịch/thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên (trừ trường hợp làm việc theo chế độ hợp đồng lao động) dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Người đại diện phần vốn góp nhà nước tại doanh nghiệp: Cán bộ, công chức, viên chức được cử làm người đại diện phần vốn góp tại doanh nghiệp bị dôi dư do việc sắp xếp lại doanh nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Người giữ chức danh quản lý tại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách: Cán bộ, công chức, viên chức được cử sang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách bị dôi dư do việc sắp xếp lại quỹ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Như vậy, chính sách tinh giản biên chế được áp dụng một cách toàn diện và đồng bộ, không chỉ nhằm làm tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước mà còn cả các tổ chức, doanh nghiệp và quỹ tài chính do Nhà nước nắm giữ. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và sử dụng nguồn nhân lực một cách tối ưu.
Trân trọng./.