Phiếu lý lịch tư pháp là gì? Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được quy định như thế nào? Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp là bao nhiêu và đối tượng nào được miễn lệ phí?

Phiếu lý lịch tư pháp là gì? Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được quy định như thế nào? Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp là bao nhiêu và đối tượng nào được miễn lệ phí?

Phiếu lý lịch tư pháp là gì? Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được quy định như thế nào? Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp là bao nhiêu và đối tượng nào được miễn lệ phí?

Luật sư cho tôi hỏi: Tôi là sinh viên đang học đại học và chuẩn bị đi thực tập tại một công ty có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp. Vậy tôi phải nộp lệ phí bao nhiêu để được cấp Phiếu lý lịch tư pháp? Nếu tôi nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến thì mức lệ phí có thay đổi không? Trường hợp tôi yêu cầu cấp 3 bản Phiếu lý lịch tư pháp cùng lúc thì có phải nộp thêm phí không?

MỤC LỤC

1. Phiếu lý lịch tư pháp là gì?

2. Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được quy định như thế nào?

3. Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp là bao nhiêu và đối tượng nào được miễn lệ phí?

 

Trả lời:

1. Phiếu lý lịch tư pháp là gì?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

4. Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.”

Có thể thấy rằng phiếu lý lịch tư pháp là văn bản pháp lý chính thức do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có thẩm quyền cấp, có giá trị chứng minh tình trạng pháp lý hình sự của một cá nhân tại thời điểm được yêu cầu. Phiếu này cung cấp thông tin quan trọng để xác định cá nhân có hay không có án tích, đồng thời thể hiện rõ cá nhân đó có bị Tòa án cấm hay không trong việc đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, trong trường hợp có liên quan đến quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án.

Với nội dung được chứng thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Phiếu lý lịch tư pháp không chỉ có ý nghĩa xác minh tư cách pháp lý của cá nhân trong các giao dịch có yếu tố pháp lý công mà còn là cơ sở pháp lý quan trọng để tuyển dụng, xét duyệt hồ sơ, cấp giấy phép hành nghề và nhiều hoạt động khác liên quan đến điều kiện nhân thân trong đời sống pháp luật và kinh tế – xã hội.

2. Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được quy định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định như sau:

“Điều 7. Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

1. Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.

2. Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

3. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.”

Dựa trên nội dung quy định tại Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009, có thể thấy rằng quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được pháp luật Việt Nam ghi nhận một cách toàn diện và phân định rõ ràng theo từng chủ thể, nhằm đảm bảo việc khai thác thông tin lý lịch tư pháp được thực hiện đúng mục đích, đúng thẩm quyền và phục vụ thiết thực cho các nhu cầu chính đáng trong đời sống xã hội.

Cụ thể, cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam được bảo đảm quyền tiếp cận thông tin lý lịch tư pháp của chính mình, phục vụ cho các mục đích dân sự, hành chính, học tập, lao động, xuất nhập cảnh và các yêu cầu hợp pháp khác. Đây là biểu hiện cụ thể của quyền tiếp cận thông tin cá nhân – một trong những quyền cơ bản của con người được pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về nhân quyền bảo vệ.

Bên cạnh đó, cơ quan tiến hành tố tụng được phép yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Việc này góp phần bảo đảm tính đầy đủ, khách quan, chính xác của quá trình tố tụng hình sự, đồng thời tránh bỏ lọt hoặc làm oan người vô tội.

Ngoài ra, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội cũng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhằm phục vụ công tác quản lý nhân sự, đăng ký kinh doanh, thành lập và quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật trong quá trình tuyển chọn và sử dụng nhân lực cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp không chỉ là quyền cá nhân mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc bảo đảm pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý và duy trì trật tự pháp luật trong xã hội. Việc quy định rõ ràng các chủ thể được quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp góp phần thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả trong công tác tư pháp và hành chính công.

3. Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp là bao nhiêu và đối tượng nào được miễn lệ phí?

Căn cứ theo Điều 10 Luật Lý lịch tư pháp 2009, Điều 6 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP và Điều 4, 5 Thông tư số 16/2025/TT-BTC quy định như sau:

“Điều 10. Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp

1. Cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải nộp lệ phí.

2. Mức lệ phí, việc quản lý và sử dụng lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp thực hiện theo quy định của pháp luật.”

“Điều 6. Lệ phí và miễn lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp

1. Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

2. Những trường hợp sau đây được miễn lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp:

a) Người thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;

b) Người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.”

Điều 4. Mức thu phí

1. Mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư phập thực hiện như sau:

STT

Nội dung thu

Mức thu
(đồng/lần/người)

1

Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp

200.000

2

Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sỹ)

100.000

Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 02 Phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5.000 đồng/Phiếu.

2. Mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đối với trường hợp nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo hình thức trực tuyến (bao gồm cả qua ứng dụng VNeID):

a) Kể từ ngày 24 tháng 4 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thực hiện như sau:

STT

Nội dung thu

Mức thu
(đồng/lần/người)

1

Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp

170.000

2

Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ, đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, còn nuôi), người có công nuôi liệt sỹ)

80.000

Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 02 Phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5.000 đồng/Phiếu.

b) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 trở đi, áp dụng mức thu phí quy định tại khoản 1 Điều này.”

“Điều 5. Trường hợp miễn phí

1. Trẻ em theo quy định tại Luật Trẻ em.

2. Người cao tuổi theo quy định tại Luật Người cao tuổi.

3. Người khuyết tật theo quy định tại Luật Người khuyết tật.

4. Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật về chuẩn nghèo.

5. Người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của pháp luật.”

Từ các quy định pháp luật dẫn chiếu, có thể khẳng định rằng: Việc thu lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp hiện nay được thực hiện theo cơ chế có phân loại đối tượng và hình thức nộp hồ sơ, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc công bằng, hỗ trợ người yếu thế và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp.

Cụ thể, cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp bắt buộc phải nộp lệ phí theo quy định, trừ các trường hợp được miễn như:

- Trẻ em theo quy định tại Luật Trẻ em.

- Người cao tuổi theo quy định tại Luật Người cao tuổi.

- Người khuyết tật theo quy định tại Luật Người khuyết tật.

- Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật về chuẩn nghèo.

- Người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của pháp luật.

Mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư phập thực hiện như sau:

- Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: 200.000 đồng/lần/người.

- Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ, đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, còn nuôi), người có công nuôi liệt sỹ): 100.000 đồng/lần/người.

Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 02 Phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5.000 đồng/Phiếu.

Lưu ý: Mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đối với trường hợp nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo hình thức trực tuyến (bao gồm cả qua ứng dụng VNeID) giai đoạn kể từ ngày 24/4/2025 đến hết ngày 31/12/2025, mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thực hiện như sau:

- Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: 170.000 đồng/lần/người.

- Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ, đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, còn nuôi), người có công nuôi liệt sỹ): 80.000 đồng/lần/người.

Điều này khuyến khích người dân dần dần làm quen với việc số hóa thủ tục hành chính bằng cách nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo hình thức trực tuyến (bao gồm cả qua ứng dụng VNeID).

Tóm lại, cơ chế thu – miễn lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp được thiết lập một cách khoa học, minh bạch, có căn cứ pháp lý đầy đủ tại Luật Lý lịch tư pháp 2009, Nghị định 111/2010/NĐ-CP và Thông tư 16/2025/TT-BTC, vừa bảo đảm nguồn thu phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa hỗ trợ hiệu quả cho các nhóm dặc biệt ưu tiên và thúc đẩy quá trình số hóa dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp.

Với tình huống của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

- Bạn đang là sinh viên từ đủ 16 tuổi trở lên nên vì thế bạn thuộc đối tượng được giảm lệ phí. Cụ thể: Phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp: 100.000 đồng/lần/người (theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 16/2025/TT-BTC). Nếu bạn nộp hồ sơ trực tuyến trong thời gian từ 24/4/2025 đến hết 31/12/2025, bạn sẽ được hưởng mức phí ưu đãi: Phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp: 80.000 đồng/lần/người (theo điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 16/2025/TT-BTC).

- Trường hợp bạn yêu cầu 03 Phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu:

+ Bạn sẽ nộp phí cho 02 Phiếu đầu tiên theo mức quy định như trên.

+ Từ Phiếu thứ 3 trở đi, bạn phải nộp thêm 5.000 đồng/Phiếu (căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Thông tư 16/2025/TT-BTC).

Như vậy, nếu bạn nộp hồ sơ trực tiếp thì bạn phải nộp 100.000 đồng cho 02 Phiếu đầu và thêm 5.000 đồng cho Phiếu thứ 03 → Tổng cộng: 105.000 đồng. Nếu bạn nộp hồ sơ trực tuyến (kể từ ngày 24/4/2025 đến hết 31/12/2025) thì bạn chỉ phải nộp 80.000 đồng cho 02 Phiếu đầu và thêm 5.000 đồng cho Phiếu thứ 03 → Tổng cộng: 85.000 đồng.

Trân trọng./.

Bài viết liên quan

Góp ý