
Hoạt động của Ủy ban nhân dân 02 cấp được tổ chức như thế nào?
Luật sư cho tôi hỏi: Hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp chính quyền địa phương, theo mô hình 02 cấp là cấp tỉnh và cấp xã được tổ chức hoạt động và vận hành theo nguyên tắc ra sao?
MỤC LỤC
1. Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan gì?
2. Hoạt động của Ủy ban nhân dân 02 cấp được tổ chức như thế nào?
Trả lời:
1. Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 114 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (Luật số: 72/2025/QH15) có hiệu lực từ ngày 16/6/2025 quy định như sau:
“Điều 114.
1. Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.”
và
“Điều 6. Ủy ban nhân dân
1. Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.”
Theo đó, Ủy ban nhân dân hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã) là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, đồng thời là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân cùng cấp, được thành lập thông qua việc bầu cử bởi Hội đồng nhân dân.
Ủy ban nhân dân có trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương và chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
Với vị trí là cầu nối giữa quyền lực nhà nước trung ương và địa phương, Ủy ban nhân dân vừa bảo đảm sự thống nhất trong quản lý hành chính nhà nước, vừa thể hiện tính chủ động, linh hoạt trong điều hành các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa bàn quản lý.
Đồng thời, cơ quan này chịu trách nhiệm kép khi vừa trước Hội đồng nhân dân – đại diện cho Nhân dân địa phương, vừa trước cơ quan hành chính cấp trên, qua đó phản ánh rõ nguyên tắc kết hợp giữa tính dân chủ đại diện và tính điều hành hành chính thống nhất, góp phần bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước ở cấp cơ sở.
2. Hoạt động của Ủy ban nhân dân 02 cấp được tổ chức như thế nào?
Căn cứ theo Điều 40 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (Luật số: 72/2025/QH15) có hiệu lực từ ngày 16/6/2025 quy định như sau:
“Điều 40. Hoạt động của Ủy ban nhân dân
1. Ủy ban nhân dân họp thường kỳ mỗi tháng 01 lần. Ủy ban nhân dân họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất trong các trường hợp sau đây:
a) Do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định;
b) Theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với phiên họp Ủy ban nhân dân cấp xã và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với phiên họp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Theo yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên của Ủy ban nhân dân.
2. Ủy ban nhân dân thảo luận tập thể và quyết định những nội dung sau đây:
a) Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân, dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
b) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hằng năm; kế hoạch đầu tư công; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách địa phương; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương; quyết toán ngân sách nhà nước để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thảo luận và quyết định về chiến lược, cơ chế, chính sách, các loại quy hoạch, kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm của tỉnh, thành phố để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Hội đồng nhân dân cùng cấp giao;
c) Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng, hằng quý, 06 tháng, cả năm hoặc những vấn đề quan trọng, đột xuất và những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;
d) Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân; việc thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân; thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính các cấp để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định;
đ) Chương trình công tác hằng năm của Ủy ban nhân dân; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và việc thực hiện Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân;
e) Những vấn đề khác theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên của Ủy ban nhân dân.
3. Quyết định của Ủy ban nhân dân phải được quá nửa tổng số thành viên của Ủy ban nhân dân biểu quyết tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã biểu quyết. Việc biểu quyết có thể được thực hiện tại phiên họp Ủy ban nhân dân, bằng phiếu lấy ý kiến các thành viên của Ủy ban nhân dân hoặc bằng hình thức phù hợp khác theo Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân.
4. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công theo lĩnh vực, địa bàn công tác; chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân và trước pháp luật về các quyết định thuộc lĩnh vực, địa bàn, phạm vi quyền hạn được phân công.
Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân vắng mặt, 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công thay mặt Chủ tịch Ủy ban nhân dân lãnh đạo công tác của Ủy ban nhân dân.
5. Ủy viên Ủy ban nhân dân thực hiện các công việc cụ thể theo ngành, lĩnh vực được Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công; tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Ủy ban nhân dân; cùng tập thể Ủy ban nhân dân quyết định và liên đới chịu trách nhiệm các vấn đề quy định tại khoản 2 Điều này.”
Hoạt động của Ủy ban nhân dân hai cấp (tỉnh và xã) được tổ chức chặt chẽ theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, bảo đảm tính dân chủ, trách nhiệm và hiệu quả trong quản lý nhà nước ở địa phương. Ủy ban nhân dân hoạt động thông qua các phiên họp định kỳ hàng tháng và họp bất thường khi có yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Thủ tướng Chính phủ (theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với phiên họp Ủy ban nhân dân cấp xã và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với phiên họp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên.
Tại các phiên họp, Ủy ban nhân dân thảo luận và quyết định tập thể các vấn đề trọng yếu như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán và phân bổ ngân sách, cơ cấu tổ chức, thành lập – giải thể cơ quan chuyên môn, báo cáo kinh tế - xã hội, chương trình công tác, cũng như các vấn đề phát sinh theo yêu cầu,.... Quyết định của Ủy ban nhân dân chỉ có hiệu lực khi được quá nửa số thành viên biểu quyết tán thành, thể hiện cơ chế kiểm soát quyền lực nội bộ.Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã biểu quyết.
Cơ chế phân công nhiệm vụ cũng được quy định rõ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm cá nhân theo lĩnh vực được Chủ tịch giao; trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt, một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được chỉ định thay mặt điều hành công việc; các Ủy viên Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm theo ngành, lĩnh vực được phân công và cùng tập thể quyết định các vấn đề quan trọng trong phạm vi mà pháp luật quy định.
Toàn bộ thiết chế này phản ánh mô hình quản trị điều hành theo hướng chuyên nghiệp, dân chủ và có trách nhiệm giải trình cao, góp phần bảo đảm hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong hệ thống hành chính nhà nước, phù hợp với nguyên tắc tổ chức quyền lực theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Trân trọng./.