
Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được xây dựng, quản lý, vận hành và duy trì như thế nào?
Luật sư cho tôi hỏi: Tôi đang làm việc tại đơn vị cấp tỉnh, trong quá trình cập nhật dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, tôi được yêu cầu sao chép và gửi một số tệp dữ liệu liên quan đến trữ lượng nước ngầm ở khu vực biên giới cho đối tác kỹ thuật. Do đó, tôi muốn biết hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được xây dựng, quản lý, vận hành và duy trì như thế nào?
MỤC LỤC
1. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được quy định như thế nào?
2. Thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước được quy định như thế nào?
4. Quy định về xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
5. Kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được quy định như thế nào?
Trả lời:
1. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được quy định như thế nào?
Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được quy định cụ thể tại Điều 76 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước (sau đây được gọi tắt là “Nghị định 53/2024/NĐ-CP”) như sau:
“Điều 76. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia
1. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất để quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác thông tin tài nguyên nước trên phạm vi toàn quốc.
Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia phải phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường, đáp ứng về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
2. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia bao gồm các thành phần cơ bản sau đây:
a) Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin;
b) Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;
c) Phần mềm của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
3. Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia bao gồm tập hợp các thông tin, dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Tài nguyên nước, được sắp xếp thành các nhóm thông tin, dữ liệu sau đây:
a) Thông tin, dữ liệu về nguồn nước, lưu vực sông;
b) Thông tin, dữ liệu về số lượng, chất lượng nước;
c) Thông tin, số liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước; thông tin về kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất;
d) Dữ liệu kiểm kê, điều tra, đánh giá tài nguyên nước, quy hoạch về tài nguyên nước;
đ) Thông tin, số liệu quan trắc về tài nguyên nước và số liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, chất lượng môi trường nước.”
Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia gồm 03 thành phần cơ bản chính: Hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý bao gồm các thông tin, dữ liệu liên quan đến tài nguyên nước như: Nguồn nước, số lượng và chất lượng nước, dữ liệu kiểm kê, điều tra, đánh giá tài nguyên nước,... được xây dựng có hệ thống, đồng bộ; đồng thời, phải phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường và các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.
Với vai trò phục vụ cho công tác quản lý, vận hành và khai thác thông tin trên phạm vi toàn quốc, quy định về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia đã phần nào thể hiện rõ định hướng hiện đại hóa công tác quản lý tài nguyên nước thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ công khai, minh bạch và quản lý bền vững tài nguyên nước.
2. Thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước được quy định như thế nào?
Thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước được quy định cụ thể tại Điều 77 Nghị định 53/2024/NĐ-CP như sau:
“Điều 77. Thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước
1. Thông tin, dữ liệu về số lượng, chất lượng nước là các giá trị tính toán của các đặc trưng để đánh giá biến động số lượng, chất lượng của nguồn nước như sau:
a) Thông tin, dữ liệu về số lượng, chất lượng nguồn nước mặt: đặc trưng mực nước, lượng dòng chảy tại các vị trí trên sông suối, kênh, mương, rạch theo thời đoạn tính toán; dung tích, diện tích hồ, ao, đầm, phá; kết quả đo đạc, phân tích thông số chất lượng nước; chỉ số đánh giá chất lượng nước;
b) Thông tin, dữ liệu về số lượng, chất lượng nguồn nước dưới đất: trữ lượng động, trữ lượng tĩnh của các tầng chứa nước; trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước; kết quả đo đạc, phân tích thông số chất lượng nước; chỉ số đánh giá chất lượng nước.
2. Thông tin, số liệu về kê khai, đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước, bao gồm:
a) Thông tin, dữ liệu đối với công trình khai thác nước dưới đất thuộc đối tượng kê khai theo nội dung thông tin chính trong bản kê khai;
b) Thông tin, dữ liệu đối với công trình khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, nước biển thuộc đối tượng đăng ký theo nội dung thông tin chính trong giấy xác nhận đăng ký;
c) Thông tin, dữ liệu đối với công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất, nước biển thuộc đối tượng cấp phép theo nội dung thông tin giấy phép được cấp và thông tin về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước;
d) Thông tin của giấy phép thăm dò nước dưới đất;
đ) Thông tin của giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất;
e) Thông tin, dữ liệu về công trình xả nước thải vào nguồn nước theo giấy phép môi trường.
3. Dữ liệu kiểm kê, điều tra, đánh giá tài nguyên nước, quy hoạch về tài nguyên nước, bao gồm: dữ liệu, sản phẩm của đề án kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; dữ liệu, sản phẩm của các dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước; dữ liệu quy hoạch tài nguyên nước; dữ liệu quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; thông tin, dữ liệu của báo cáo tài nguyên nước quốc gia.
4. Thông tin, dữ liệu về danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước theo danh mục lưu vực sông, nguồn nước; hành lang bảo vệ nguồn nước; hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; dòng chảy tối thiểu trên sông, suối, kênh, mương, rạch; chức năng nguồn nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
5. Thông tin, dữ liệu về mặt cắt sông, suối của các dự án, đề án đã được nghiệm thu; bản đồ phân vùng nguy cơ hạn hán, thiếu nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng; danh mục, bản đồ về vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, kế hoạch bảo vệ nước dưới đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành; ngưỡng khai thác nước dưới đất trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; kịch bản nguồn nước hằng năm do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
6. Thông tin, số liệu quan trắc về tài nguyên nước và số liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, chất lượng môi trường nước:
a) Thông tin, dữ liệu quan trắc lượng bốc hơi tại trạm khí tượng; lượng mưa tại trạm đo mưa, trạm khí tượng, trạm thủy văn, tại công trình đập, hồ chứa có quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định;
b) Thông tin, dữ liệu quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước và các yếu tố khác tại trạm quan trắc tài nguyên nước mặt, nước dưới đất;
c) Thông tin, dữ liệu quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước, độ mặn và các yếu tố khác tại trạm thủy văn và trạm đo mặn;
d) Thông tin, dữ liệu quan trắc mực nước biển tại một số trạm hải văn;
đ) Thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng nước tại trạm quan trắc môi trường nước;
e) Thông tin, dữ liệu quan trắc về khai thác nước tại công trình phục vụ giám sát khai thác tài nguyên nước.
7. Số liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại các công trình khai thác nước và xả nước thải tại các công trình xả nước thải vào nguồn nước.
8. Các thông tin, dữ liệu khác về tài nguyên nước, bao gồm:
a) Văn bản pháp luật về tài nguyên nước và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về tài nguyên nước; quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về tài nguyên nước;
b) Danh mục và sản phẩm các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến tài nguyên nước;
c) Nội dung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh;
d) Báo cáo định kỳ về hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, kết quả thanh tra, kiểm tra của các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoặc đăng ký và các dữ liệu khác có liên quan;
đ) Báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các bộ và của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
e) Kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng nước dưới đất của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất; thông tin, số liệu về cấu trúc địa chất, địa tầng tại các vị trí khoan khảo sát, thăm dò địa chất, địa chất thủy văn, thăm dò nước dưới đất, địa chất công trình của các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất và hành nghề khoan khảo sát khác;
g) Thông tin, dữ liệu về địa tầng tại vị trí các công trình khoan khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm, khoan thăm dò địa chất, thăm dò khai thác khoáng sản, dầu khí và các dự án khác;
h) Kết quả hạch toán tài nguyên nước.
9. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định kỹ thuật về cấu trúc, chuẩn dữ liệu đối với các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước quy định tại Điều này.”
* Lưu ý: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được hợp nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường (căn cứ theo tiểu mục 2.3 mục II Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và khoản 8 Điều 1 Nghị quyết số 176/2025/QH15 ngày 18/02/2025 của Quốc Hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV).
Thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước được hiểu là các giá trị tính toán về số lượng, chất lượng nước mặt và nước dưới đất; thông tin cấp phép, quy hoạch, quan trắc, khai thác và sử dụng tài nguyên nước. Đồng thời, quy định cũng bao gồm các dữ liệu kỹ thuật, khoa học, pháp lý và kết quả thanh tra, kiểm tra liên quan.
Có thể thấy, việc thống nhất, chuẩn hóa và cập nhật đầy đủ các loại thông tin này không chỉ phục vụ công tác quản lý hiệu quả tài nguyên nước mà còn tạo cơ sở khoa học và pháp lý vững chắc cho việc lập quy hoạch, cấp phép, giám sát và phòng ngừa, ứng phó với rủi ro tài nguyên nước trên phạm vi toàn quốc. Đây là nền tảng thiết yếu nhằm đảm bảo sử dụng bền vững và bảo vệ nguồn nước trước áp lực gia tăng của phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu.
3. Hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được quy định như thế nào?
Hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được quy định chi tiết tại Điều 78 Nghị định 53/2024/NĐ-CP như sau:
“Điều 78. Hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia
1. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin bao gồm tập hợp thiết bị máy chủ, máy trạm, thiết bị kết nối mạng, hệ thống đường truyền, thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn, thiết bị lưu trữ, thiết bị ngoại vi và thiết bị khác.
2. Phần mềm của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia bao gồm các phần mềm hệ thống, phần mềm tiện ích và phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và Cổng thông tin của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
3. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia bảo đảm các yêu cầu theo quy định kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.”
Quy định trên đã xác định rõ thành phần cấu tạo nên hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm của hệ thống và cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Theo đó, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin là các thiết bị lưu trữ dữ liệu; thiết bị kết nối mạng; ... hay có thể hiểu phần mềm của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia là phần mềm quản lý giấy phép, giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở Trung ương, địa phương; Cổng thổng tin của Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước;...
Do vậy, Điều 78 Nghị định 53/2024/NĐ-CP không chỉ đặt ra các yêu cầu về thiết bị và phần mềm mà còn bảo đảm việc thực hiện tuân thủ đúng chuẩn kỹ thuật, góp phần xây dựng một hệ thống hiện đại, bảo mật và vận hành ổn định, phục vụ quản lý tài nguyên nước bền vững và hiệu quả.
4. Quy định về xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
Cơ chế xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được quy định cụ thể tại Điều 79 Nghị định 53/2024/NĐ-CP như sau:
“Điều 79. Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia
1. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia phải đảm bảo cập nhật đầy đủ, chính xác, có tính pháp lý các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước của cơ quan quản lý nhà nước, của tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đảm bảo tính pháp lý, chính xác.
3. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước thực hiện theo quy định kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.”
Quy định trên là cơ chế bắt buộc trong quá trình quản lý dữ liệu tài nguyên nước quốc gia nhằm duy trì tính hiệu quả và độ tin cậy của hệ thống. Để đạt được hiệu suất cao trong công tác xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống, cần đảm bảo cập nhật thông tin về tài nguyên nước quốc gia một cách đầy đủ và kịp thời. Việc cập nhật thường xuyên các thông tin không chỉ phản ánh được thực trạng nguồn nước trong từng thời điểm, mà còn giúp cơ quan chức năng có căn cứ để có thể đưa ra các giải pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra sao cho phù hợp.
Bên cạnh đó, pháp luật còn yêu cầu về tính pháp lý và chính xác đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên nước. Quy định như vậy nhằm bảo đảm cho các thông tin đưa vào hệ thống đều được xác thực rõ ràng, tránh làm sai lệch, gây nhầm lẫn trong quá trình khai thác và sử dụng dữ liệu. Đây cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng góp phần xây dựng một hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia minh bạch và hiệu quả.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có thẩm quyền ban hành các quy định kỹ thuật nhằm đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động cập nhật dữ liệu về tài nguyên nước quốc gia.
Có thể thấy, nắm bắt và tuân thủ nghiêm chỉnh nguyên tắc và các quy định kỹ thuật này sẽ tạo ra sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong việc tiếp cận, xử lý và sử dụng các thông tin liên quan. Đồng thời, quy định trên còn là công cụ quan trọng hỗ trợ Nhà nước trong việc thực hiện các hoạt động quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
5. Kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được quy định như thế nào?
Mục tiêu thực hiện hiệu quả cơ chế quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia một cách có hệ thống, đồng bộ được thể hiện cụ thể thông qua quy định tại Điều 80 Nghị định 53/2024/NĐ-CP như sau:
“Điều 80. Kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường kết nối liên thông cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, địa phương, các cơ quan có liên quan để chia sẻ thông tin dữ liệu tài nguyên nước phục vụ quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
2. Việc chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên nước thực hiện theo mô hình được quy định tại Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, thông qua các dịch vụ trên nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu, trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu quốc gia. Các tiêu chuẩn kỹ thuật dịch vụ chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên nước thực hiện theo quy định về kết nối của cơ sở dữ liệu quốc gia với các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu khác.
3. Nội dung thông tin, dữ liệu tài nguyên nước được kết nối liên thông, chia sẻ phải có sự thống nhất giữa các bên có liên quan và theo quy định của pháp luật.”
Từ những quy định trên, Nhà nước không chỉ chú trọng đến vai trò của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong công tác kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia với các hệ thống cơ sở dữ liệu khác của quốc gia, Bộ, ngành và địa phương mà còn đặc biệt quan tâm đến sựtuân thủ mô hình kiến trúc của Chính phủ điện tử Việt Nam, thông qua các nền tảng công nghệ quan trọng như: Trục liên thông văn bản quốc gia, nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia,...
Mục tiêu của việc kết nối này là nhằm chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên nước quốc gia một cách minh bạch và tối ưu hóa việc sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan, hỗ trợ cho quá trình giải quyết thủ tục hành chính một cách hiệu quả. Đồng thời, việc chia sẻ dữ liệu phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về kết nối giữa cơ sở dữ liệu quốc gia với các hệ thống khác, qua đó đảm bảo khả năng tích hợp, liên thông và sử dụng dữ liệu một cách thống nhất, giảm thiểu rủi ro trong quá trình khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.
Như vậy, Điều 80 Nghị định 53/2024/NĐ-CP không chỉ làmrõ cơ chế kỹ thuật và nguyên tắc phối hợp trong việc chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên nước mà còn đã đặt ra nền tảng kỹ thuật và pháp lý quan trọng cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên nước; đồng thời, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu.
6. Khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được quy định như thế nào?
Việc khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được quy định cụ thể tại Điều 81 Nghị định 53/2-24/NĐ-CP như sau:
“Điều 81. Khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên nước
1. Việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và các pháp luật khác có liên quan.
2. Cơ quan quản lý, vận hành Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia quyết định việc phân quyền truy cập khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
3. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước thì truy cập và thực hiện theo hướng dẫn trên Cổng dữ liệu của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
Trường hợp khai thác, sử dụng số liệu quan trắc khí tượng thủy văn thì thực hiện theo quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn.
4. Cơ quan quản lý Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia không được chia sẻ, cung cấp các thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, các thông tin mang tính cá nhân của người sử dụng trừ trường hợp phục vụ hoạt động điều tra, xác minh xử lý hành vi vi phạm pháp luật và phục vụ công tác quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.”
Quy định trên đã nêu rõ nguyên tắc và cơ chế khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm vừa tạo điều kiện tiếp cận thông tin, vừa kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nhằm bảo vệ lợi ích công cộng và quyền riêng tư.
Cùng với đó, thẩm quyền phân quyền truy cập được giao cho cơ quan quản lý, vận hành hệ thống, cho thấy vai trò trung tâm của cơ quan nhà nước trong kiểm soát và điều phối thông tin. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng dữ liệu được hướng dẫn truy cập qua Cổng dữ liệu, giúp tăng cường tính công khai và hiệu quả sử dụng.
Bên cạnh đó, quy định còn nhấn mạnh đếngiới hạn trong việc chia sẻ thông tin, dữ liệu, đặc biệt đối với dữ liệu liên quan đến an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh và thông tin cá nhân. Theo đó, chỉ được chia sẻ trong các trường hợpnhư:Phục vụ cho hoạt động điều tra, xử lý vi phạm hoặc phục vụ quản lý nhà nước.Có thể thấy, quy định đã phản ánh được sự cân bằng giữa quyền tiếp cận thông tin với yêu cầu bảo mật và an toàn thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên nước như hiện nay.
7. Bảo đảm an toàn và chế độ bảo mật thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia được quy định như thế nào?
Bảo đảm an toàn và chế độ bảo mật thông tin, dữ liệu tài nguyên nước được quy định cụ thể tại Điều 82 Nghị định 53/2024/NĐ-CP như sau:
“Điều 82. Bảo đảm an toàn và chế độ bảo mật thông tin, dữ liệu tài nguyên nước
1. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia phải được bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng theo cấp độ và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc in, sao, vận chuyển, giao nhận, truyền dữ liệu, lưu giữ, bảo quản, cung cấp thông tin, dữ liệu và hoạt động khác có liên quan đến dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
3. Danh mục bí mật nhà nước về tài nguyên nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.”
Việc bảo đảm tính bảo mật thông tin tài nguyên nước quốc gia là nhiệm vụ hàng đầu của Nhà nước trong hoạt động xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống. Theo đó, tính an toàn của thông tin, dữ liệu được xác định theo từng cấp độ và được bảo vệ dựa trên cơ sở pháp luật về an toàn thông tin mạng và các quy định khác có liên quan.
Đồng thời, các hoạt động liên quan đến hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia như: In, sao, vận chuyển, truyền dữ liệu hay lưu giữ, bảo quản thông tin, dữ liệu,... cũng như đối với danh mục bí mật nhà nước theo quy định cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Như vậy, quy định trên là cơ sở pháp lý rõ ràng được đặt ra cho công tác quản lý cũng như hoạt động tổ chức đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên nước. Nắm bắt rõ và đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc quan trọng này sẽ góp phần tích cực trong việc xây dựng, vận hành, quản lý và tiếp cận, sử dụng thông tin một cách tổng thể, có hệ thống và hiệu quả.
Trân trọng./.